Giao mùa, gia tăng nguy cơ “bệnh chồng bệnh”

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 09/11/2023 11:27:00 AM - Lượt xem: 13 lượt xem.

Giao mùa thu đông khiến dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ.

Thời tiết và nhiệt độ thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để các bệnh lý nền mạn tính tiến triển nặng, tăng các đợt viêm, tái phát bệnh cơ xương khớp, gây ra nguy cơ "bệnh chồng bệnh".

Thông tin trên được các chuyên gia, bác sĩ chia sẻ tại chương trình tư vấn trực tuyến "Bệnh giao mùa thu đông ở người lớn và trẻ em" ngày 7/11/2023, do Bệnh viện đa khoa Tâm Anh phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia thuộc Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội: TTƯT.PGS.TS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp; TS.BS Trần Đức Hậu, Trưởng khoa Nhi; TTƯT.TS.BS Nguyễn Thanh Vân, bác sĩ khoa Nội Tổng hợp.

TS.BS Trần Đức Hậu, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ, thời gian gần đây, thời tiết giao mùa thay đổi thất thường, tại khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội ghi nhận số ca mắc bệnh lý đường hô hấp tăng cao. Thời tiết lạnh và nhiệt độ ẩm thấp, mưa gió là điều kiện thuận lợi cho virus lây lan, trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh. Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm càng khiến đường thở của trẻ khó thích nghi, kèm theo hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, chăm sóc không đúng cách, không đeo khẩu trang nơi đông người... là các thói quen thường gặp dẫn đến bệnh mùa thu đông lây lan, trở nặng.

Bên cạnh các bệnh lý như cúm, sốt siêu vi, viêm đường hô hấp, tình hình bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây. Trẻ em và người lớn đều là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh. Theo TTƯT.TS.BS Nguyễn Thanh Vân, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Giao mùa, gia tăng nguy cơ “bệnh chồng bệnh” - Ảnh 1.

TS.BS Trần Đức Hậu giải đáp độc giả trong chương trình livestream.

Nhiều thính giả gửi câu hỏi về việc tự phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi dựa trên triệu chứng mắc bệnh, khi thời gian gần đây cả hai dịch bệnh này đều xuất hiện nhiều trong cộng đồng? Giải đáp thắc mắc này, TS.BS Trần Đức Hậu cho biết sốt xuất huyết và sốt siêu vi là hai bệnh khác nhau do các loại vi rút khác nhau gây ra. Ở giai đoạn đầu, những triệu chứng của hai bệnh khá giống nhau, do đó rất khó để biết chính xác. Để biết chắc chắn, người dân nên thực hiện các xét nghiệm máu theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự phán đoán thông qua các triệu chứng. Việc biết chính xác bệnh lý mắc phải rất cần thiết để định hướng điều trị và theo dõi kịp thời các biến chứng của bệnh gây ra. Đặc biệt, đối với bệnh sốt xuất huyết, nhiều người cho rằng nếu hết sốt là khỏi bệnh, nhưng thực tế thì đa phần các ca biến chứng nặng lại xuất hiện sau khi cơ thể đã hạ nhiệt, bệnh bước vào giai đoạn nguy hiểm.

Ngoài các dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, thời tiết giao mùa thu đông cũng là thời gian khiến những người đang mắc các bệnh lý mạn tĩnh dễ gặp phải các đợt diễn biến cấp tính. Do đó, nguy cơ "bệnh chồng bệnh" luôn hiện hữu. "Giai đoạn giao mùa thu – đông ở miền Bắc, thời tiết từ mát mẻ chuyển sang lạnh, ẩm, có khi hanh khô; nhiệt độ có sự chênh lệch giữa ngày và đêm nhiều là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, ở người cao tuổi có sự suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan như hệ tim mạch, hệ miễn dịch, hệ miễn dịch… Đây là nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ bị nhiễm bệnh hoặc bệnh tái phát do hệ miễn dịch đã suy giảm." - bác sĩ Nguyễn Thanh Vân giải thích.

Giao mùa, gia tăng nguy cơ “bệnh chồng bệnh” - Ảnh 2.

TTƯT.TS.BS Nguyễn Thanh Vân tư vấn về các bệnh lý thường gặp mùa thu đông

Vào giai đoạn chuyển mùa, những người mắc bệnh khớp thường cảm nhận rõ hơn tình trạng đau nhức, tê cứng, khó vận động tại khớp. Điều này khiến bệnh nhân khổ sở trong sinh hoạt, trong lao động từ đó làm giảm sút chất lượng cuộc sống. Lý giải về tình trạng này, TTƯT.PGS.TS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho rằng bệnh khớp thường trở nên nghiêm trọng hơn khi thời tiết chuyển mùa là do áp suất khí quyển thấp. Khi thời tiết thay đổi, áp suất khí quyển giảm xuống, các mô nở ra tạo áp lực lên các khớp. Đặc biệt đối với những bệnh nhân khớp mạn tính, các dây thần kinh cũng nhạy cảm hơn nên sẽ cảm nhận các cơn đau nhức, cứng khớp rõ hơn. Khi bị đau nhức khớp, nhất là vào mùa lạnh, người bệnh nên đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa khớp để được xác định nguyên nhân (do bệnh văn phòng, thoái hóa khớp hay, viêm khớp phản ứng hay là bệnh hệ thống) để có chỉ định điều trị sớm. Không nên chủ quan, xem thường và tự mua thuốc để điều trị, hoặc đi tiêm thuốc giảm đau không có chỉ định của bác sĩ.

Giao mùa, gia tăng nguy cơ “bệnh chồng bệnh” - Ảnh 3.

TTƯT.PGS.TS Đặng Hồng Hoa giải đáp thắc mắc về các bệnh lý cơ xương khớp trong chương trình livestream.

Để phòng ngừa các bệnh lý cơ xương khớp diễn tiến nặng khi trời trở lạnh, TTƯT.PGS.TS Đặng Hồng Hoa khuyến cáo đối với các trường hợp người bệnh bị đau xương khớp mạn tính, cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, tái khám định kỳ. Đối với những trường hợp đau xương khớp do bệnh văn phòng, làm việc trong tư thế cúi trong thời gian dài, đau cổ vai gáy, người bệnh có thể thực hiện một số động tác vật lý trị liệu để giãn cơ. Vào mùa lạnh, có thể tăng cường tắm nước nóng, nhiệt độ nước từ 30-40 độ C, thời gian tắm từ 15 – 20 phút. Nước nóng có tác dụng giảm đau, tăng tuần hoàn máu, thư giãn cơ, giảm cơn co cứng cơ. Tập vận động phù hợp với từng loại bệnh lý cơ xương khớp. Chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với người mắc bệnh lý cơ xương khớp mạn tính. Người có tuổi cần ăn nhiều rau và trái cây, uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (khoảng 1,5 – 2,0 lít) bao gồm cả lượng nước có trong rau, canh, trái cây.

TS.BS Trần Đức Hậu đưa ra khuyến cáo cho các bậc phụ huynh khi chăm sóc trẻ ở giai đoạn giao mùa thu - đông: Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch đối với các bệnh có vaccine phòng bệnh như: Cúm, sởi, rubella, ho gà… Giữ ấm cơ thể: Thời điểm giao mùa nóng lạnh thất thường, cơ thể dễ bị cảm lạnh, nhất là ở người già và trẻ nhỏ. Vì vậy, cần giữ ấm cơ thể khi ra đường vào sáng sớm. Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài, đến nơi đông người. Đeo khẩu trang để phòng bệnh là một việc đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn ngừa vi rút, vi khuẩn lây qua đường hô hấp.

(Theo VTV)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn