"Bẫy" quà tặng cho người cao tuổi: Nỗi chua xót của những người mua hàng

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 09/04/2024 09:26:00 AM - Lượt xem: 0 lượt xem.

Khi sản phẩm lên đến tiền triệu, người dân đã nộp tiền với hy vọng sẽ được trả tiền như những lần trước, tuy nhiên nhóm người bán hàng không trả tiền nữa và bỏ trốn.

Phóng sự về việc doanh nghiệp tổ chức hội thảo tri ân khách hàng, nhưng thực chất để bán hàng và bỏ trốn được Chuyển động 24h phản ánh đã nhận được sự quan tâm lớn của khán giả.

Về chiêu thức bán hàng của nhóm người này, ban đầu, doanh nghiệp sẽ tạo niềm tin cho người dân là cứ nộp tiền trước, sau đó sẽ được nhận hàng và được trả lại đúng số tiền như vậy. Tuy nhiên điều này chỉ đúng với những sản phẩm có giá trị vài chục nghìn đồng.

Khi sản phẩm lên đến tiền triệu, người dân cũng nộp tiền với hy vọng sẽ được trả tiền như những lần trước, tuy nhiên nhóm người bán hàng không trả tiền nữa và bỏ trốn. Đặc biệt có nhiều trường hợp người mua mất tiền, mà còn không nhận được hàng. Thả con săn sắt, bắt con cá rô là chiêu thức được các đối tượng sử dụng để bán hàng.

Bẫy quà tặng cho người cao tuổi: Nỗi chua xót của những người mua hàng - Ảnh 1.

Doanh nghiệp tổ chức hội thảo tri ân khách hàng, nhưng thực chất để bán hàng và bỏ trốn.

Rạp đã dỡ, kẻ bán đã đi. Chỉ có nỗi chua xót của người mua là ở lại. Ai cũng nghĩ mua hàng sẽ được tặng lại tiền, nên không màng đắt rẻ. Chỉ khi chuyện đã rồi, giá trị của sản phẩm mới được đem ra bàn tán.

"Một cái chảo bình thường mình mua 150.000 - 200.000 đồng, nhưng họ bán với giá 800.000 đồng. Một cái nồi hấp, nồi cơm điện cũng chỉ 600.000 đồng là cao nhất, mà họ bán với giá 4,6 triệu đồng, giá trên trời", một người dân chia sẻ.

Người bán đã tự "thổi" giá các sản phẩm lên gấp 5 - 10 lần giá trị thật của nó. Hũ mật ong được doanh nghiệp quảng cáo có giá 995.000 đồng. Tuy nhiên tại một điểm bán hàng khác, chính họ lại bán sản phẩm này với giá chỉ bằng 1/10 so với trước. Của rẻ là của ôi, nhưng người dân ở đây lại thấy của đắt cũng vẫn ôi.

Nhìn bên ngoài không thể nói được gì về độ thật giả của sản phẩm. Bao bì ghi chữ Thái Lan, nhưng xuất xứ lại ở Trung Quốc. Dù phải mua đắt gấp 8 lần giá trị thật của sản phẩm, nhưng nếu gặp sự cố, thì người mua cũng không thể mang đi bảo hành. Vì khi tìm theo địa chỉ của doanh nghiệp được in trên bao bì, không có nhà phân phối nào ở đây. Mọi thứ bốc hơi y như cách những kẻ bán hàng bỏ trốn.

Bẫy quà tặng cho người cao tuổi: Nỗi chua xót của những người mua hàng - Ảnh 2.

Không chỉ ôm cọc rồi bỏ trốn, nhóm người bán hàng còn cuỗm luôn cả khoản tiền mua hàng của người dân.

Những tấm thẻ tuy làm bằng giấy, nhưng lại có giá trị bằng tiền vì người dân đã phải mất phí để cọc. Không chỉ ôm cọc rồi bỏ trốn, nhóm người bán hàng còn cuỗm luôn cả khoản tiền mua hàng của người dân. Nhiệt tình chi tiền để mua sản phẩm, nhưng người phụ nữ đã không được trả lại hàng.

Cùng chung cảnh ngộ, người phụ nữ khác cũng đã mất hơn chục triệu đồng khi doanh nghiệp chưa trả đã biến mất.

"Nó bảo mua xong thì trả lại, nong nó chạy mất. Nồi này của tôi nó cũng không trả. Niềm vui, niềm vui, niềm vui. Của tôi 3 cái niềm vui đây là 4,6 triệu đồng/cái. Gần 14 triệu đồng 3 cái phiếu niềm vui của tôi đây", bà Nguyễn Thị Hương, Xã Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội, cho hay.

Bỏ tiền để mua niềm vui, nhưng cuối cùng lại chỉ có nỗi buồn.

   THEO Nhóm phóng viên Chuyển động 24h 

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn