Trước “mùa bệnh” làm gì để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ?

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 17/09/2019 05:54:00 PM - Lượt xem: 23 lượt xem.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ đã và đang trở thành nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ. Bệnh thường ghi nhận số mắc tăng cao vào các tháng 9, 10, 11, đặc biệt vào lúc thời tiết chuyển mùa. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 554 trường hợp mắc.

Ảnh: Internet

Qua trao đổi tại Trường quay S1959, bác sĩ Nguyễn Thiện Nam- Trưởng phòng khám đa khoa May 10 cho biết: Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virut đường tiêu hóa là A16 và EV71 gây nên. Bệnh thường xảy ra theo mùa, đặc biệt trong mùa tựu trường. Đó là thời điểm trẻ tập trung vào năm học mới, cộng với điều kiện thời tiết thuận lợi, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo là yếu tố thuận lợi cho sự lây lan và phát triển của dịch bệnh.

Tất cả mọi đối tượng đều có thể mắc chân tay miệng nhưng tập trung chủ yếu ở trẻ có độ tuổi từ 1 tháng đến dưới 10 tuổi. Trong đó tập trung cao nhất ở lứa tuổi từ 3-5 tuổi.

Để nhận biết bệnh tay chân miệng, bác sĩ Nam chỉ rõ dấu hiệu : Dấu hiệu đầu tiên là sốt, thứ 2 là đau rát họng kèm theo tình trạng chán ăn mệt mỏi. Thứ 3 là xuất hiện ban ở miệng, mặt trong má, cổ họng, bàn chân, bàn tay. Xuất hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay bàn chân kích thước từ 2-3mm và không đau. Bên cạnh đó xuất hiện các triệu chứng về đường tiêu hóa như mất nước, ỉa chảy…

Bác sĩ Nam cảnh báo: Bệnh tay chân miệng nhận biết rất dễ tuy nhiên có thể nhầm lẫn với một số bệnh như: áp tơ miệng, thủy đậu, dị ứng, sốt xuất huyết…

Khi mắc tay chân miệng nhóm A16 thường lành tính và ít biết chứng. Còn nhiễm virut EV71 thì biến chứng rất nặng, gây tổn thương về thần kinh như: viêm não màng não, bại liệt, hôn mê. Biến chứng về tim mạch như suy hô hấp, phù phổi cấp. Hiện tất cả bệnh về virut thì Thế giới cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin để phòng bệnh. Nguy hiểm hơn là bệnh chỉ lây ở trẻ nhỏ có sức đề kháng kém.

Trước những nguy hiểm của bệnh tay chân miệng, bác sĩ Nam đưa ra lời khuyên đến toàn thể người lao động:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, trước khi chế biến thực phẩm, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh…
  • Đảm bảo ăn chín uống chín, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu ăn
  • Vệ sinh sạch sẽ đồ chơi của trẻ, lau rửa thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Thu gom đúng vệ sinh quy chuẩn các rác thải của người bệnh.

Khi có những dấu hiệu mắc bệnh cần theo dõi và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, cách ly trẻ khỏe mạnh khỏi vùng dịch và những người nghi ngờ mắc bệnh.

Cẩm Tú

Bệnh tay chân miệng và dấu hiệu nhận biết

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn