Tấm gương tiêu biểu về sáng tạo tại Xí nghiệp Hưng Hà

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 14/12/2018 07:03:00 PM - Lượt xem: 96 lượt xem.

Hơn 14 năm gắn bó với Xí nghiệp Hưng Hà, trong đó có 8 năm làm công tác nghiên cứu, anh Bùi Ngọc Mạnh- nhân viên Cữ Dưỡng đã có hơn 40 sáng kiến cải tiến áp dụng hiệu quả vào sản xuất. Với trách nhiệm và sự tận tâm trong công việc, nhiều năm liền anh được bình bầu là nhân viên nghiệp vụ giỏi, chiến sĩ thi đua cấp Tổng công ty.

Ảnh: Anh Tú

Chỉ tính riêng trong 2 năm 2016 và 2017, anh Bùi Ngọc Mạnh đã đưa ra 10 sáng kiến, đem lại giá trị làm lợi hơn 400 triệu đồng. Trong đó có rất nhiều sáng kiến được Ban lãnh đạo và đồng nghiệp đánh giá cao.

Chị Vũ Thị Cường- Nhóm trưởng IE nhận xét: “Anh Mạnh là nhân viên rất tâm huyết. Khi anh làm thì anh rất cố gắng, theo đuổi đến cùng. Anh tìm hiểu trên mạng xã hội để đưa ra các cách làm phù hợp, thuận tiện cho công nhân làm. Hàng tháng, anh đóng góp từ 1-2 sáng kiến. Những sáng kiến của anh Mạnh mang lại giá trị làm lợi rất lớn cho sản xuất. Ví dụ như mã 4037 của Asmara, không chỉ giảm thao tác, thời gian chế tạo mà dưỡng này còn áp dụng cho các mã tương tự”.

Khi vào mã hàng mới, anh Mạnh luôn chủ động tìm tòi, nghiên cứu cữ, dưỡng tối ưu nhất để hỗ trợ kịp thời cho sản xuất. Đơn cử như mã hàng Asmara với chất liệu vải da 1 lớp đòi hỏi độ chính xác cao. Nếu may lỗi sẽ bị vỡ mặt vải và phải thay hoàn toàn thân áo, năng suất giảm từ 10-15%.

Anh Mạnh đưa ra ý tưởng gộp 4 công đoạn gồm: ngả túi, dán nắp+ dán nẹp đậy+ chắp nẹp ve áo lót + tra khóa trên cùng một dưỡng. Sau quá trình chế tạo và đưa vào sản xuất thành công, sáng kiến của anh đã giúp tăng 40-50% năng suất, giảm 2 lao động và độ chính xác khi may lên tới 100%.

Là người trực tiếp áp dụng dưỡng ngả túi, dán nắp, dán nẹp đậy+ chắp nẹp ve áo lót và tra khóa, anh Đoàn Minh Tiến- Tổ 7 cho biết: “Khi áp dụng dưỡng thì thay đổi gần như hoàn toàn thao tác công nhân. Trước khi có cữ dưỡng đó thì để hoàn thành 1 thân gồm 4 công đoạn tách rời thì mất rất nhiều thời gian và lao động. Khi có dưỡng gộp 4 công đoạn với nhau thì chỉ cần 1 lao động và chỉ mất 2 phút và năng suất tăng lên”.

Chia sẻ về công việc, Anh Mạnh cho biết: “Trong những nghiên cứu của tôi để đưa ra sáng kiến cũng gặp rất nhiều khó khăn ví dụ như chất liệu khó. Có những sáng kiến đã từng thất bại. Tôi phải nghiên cứu bằng mọi cách và đem lại kết quả. Sau những sáng kiến của mình, người lao động áp dụng có năng suất và hiệu quả cao thì bản thân mình cũng rất vui vì đã làm được gì đó để giúp người công nhân làm tốt hơn, giúp tăng năng suất và thu nhập của họ”.

Với những đóng góp về sáng kiến, cải tiến trong năm 2018, anh Mạnh được Tổng Liên đoàn LĐVN xét thưởng và trao tặng bằng lao động sáng tạo. Trong thời gian tới, anh cũng đặt mục tiêu đóng góp 2-3 sáng kiến/tháng để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Cẩm Tú

 

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn