Nếu làm theo cách cũ sẽ không có bước đột phá

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 12/04/2019 06:46:00 PM - Lượt xem: 81 lượt xem.

Để đảm bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời bán thành phẩm cho sản xuất. Cuối năm 2017, Tổng công ty đã đầu tư thiết bị máy cắt tự động hiện đại nhất cho tổ Cắt- Khu sơ-mi. Tuy nhiên, vì đã quen với việc cắt tay nên khi áp dụng máy cắt tự động, tổ Cắt đã gặp rất nhiều khó khăn. Những bàn cắt đầu tiên bị sai lỗi nhiều, thậm chí không đáp ứng được bán thành phẩm cho khâu may dẫn tới chậm tiến độ sản xuất.

Ảnh: Anh Tú

Là một trong những công nhân đầu tiên sử dụng máy cắt tự động, anh Nguyễn Thái Chuyển - Tổ phó tổ Cắt nói về những khó khăn khi vận hành máy: “Lần đầu tiên chúng tôi được tiếp cận với công nghệ hiện đại. Các phần mềm của máy là tiếng Anh nên khó khăn trong vận hành. Chưa nắm bắt được công năng của máy nên vận hành vẫn còn chậm, nhiều sai hỏng. Mà sai hỏng lại phải thay, lãng phí vải nên chúng tôi cũng rất ngại khi dùng máy cắt tự động”.

Nhưng khi việc áp dụng cách làm cũ là cắt thủ công bằng tay đã không còn đáp ứng được bán thành phẩm khi vào đơn hàng nhỏ lẻ, thời gian giao hàng gấp. Cùng thời điểm biến động lao động lớn, chỉ trong 5 tháng của năm 2018 khu Sơ-mi có tới 8 lao động tổ cắt nghỉ thì càng làm cho tình hình khó khăn hơn.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động tại tổ Cắt và đáp ứng bán thành phẩm cho khâu may. Tháng 7/2018, Ban lãnh đạo quyết định đầu tư máy cắt tự động thứ 2 cho tổ Cắt khu Sơ-mi. Rút ra bài học từ máy cắt đầu tiên, từng thành viên tổ Cắt đã liên hệ học hỏi các Xí nghiệp trong công ty đã sử dụng hiệu quả máy cắt tự động.

Chị Phạm Thị Minh Nguyệt chia sẻ: “Với tình hình thị trường như hiện nay, nếu chúng ta cứ áp dụng theo lối mòn thì việc đáp ứng cho sản xuất sẽ rất khó. Càng ngày đơn hàng càng nhỏ lẻ, mà tổ Cắt thì không phụ thuộc vào số lượng mà phụ thuộc vào bàn cắt. Mỗi một cỡ là một bàn cắt. Vì vậy, nếu không tính toán để ghép cỡ thì sẽ không kịp cấp bán thành phẩm cho tổ may. Máy móc hiện đại đến đâu thì cũng chỉ theo nhịp sản xuất thôi. Khi không nghiên cứu sâu, cải tiến công suất máy thì năng suất cũng chỉ chia theo thời gian, theo định biên. Chúng tôi đã tìm tòi, nghiên cứu ghép bàn cắt, ghép cỡ thì đã tăng được năng lực của máy”.

Những ngày đầu đưa vào sử dụng, mỗi bàn cắt mẫu đôi phải mất từ 10-15 phút, mỗi ngày cắt được 30-40 bàn/máy. Sau quá trình nghiên cứu, cải tiến, đến nay máy cắt tự động đã cắt được 45 bàn cắt/ngày (mẫu đôi), tăng 5-6 bàn cắt/ngày. Hiệu suất từ 70 lên 85%, năng suất tăng 20%, giảm 14 lao động và cắt chuẩn được tất cả các mặt hàng, chất liệu vải.

Cẩm Tú

 

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn