Điểm tin ngày 25/01/2022

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 25/01/2022 10:54:00 AM - Lượt xem: 34 lượt xem.

Xin mời anh chị em và các bạn đến với một số thông tin đáng chú ý ngày hôm nay.

Ảnh: Anh Tú

Báo Kinh tế Sài Gòn có bài viết: Dệt may gấp rút ‘xanh hóa’ sản xuất.

https://thesaigontimes.vn/det-may-gap-rut-xanh-hoa-san-xuat/

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang lưu ý “xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia, các nhà mua hàng, đặc biệt là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế, đang tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để bảo đảm các mục tiêu bền vững nghiêm ngặt. Những yêu cầu này nhấn mạnh các vấn đề như hiệu quả môi trường, sử dụng vật liệu tái chế, tìm kiếm các vật liệu hữu cơ hoặc bền vững, giảm tiêu thụ năng lượng và bảo tồn các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như nhiên liệu hóa thạch và nước.

Trong khi đó, con số người tiêu dùng sẵn sàng chi trả ở mức giá cao hơn cho các sản phẩm dệt may bền vững đang tăng lên, cũng như nhận thức của họ về tiêu thụ bền vững để bảo vệ môi trường ngày càng cao đang đặt ra các áp lực buộc ngành phải đổi mới sáng tạo theo hướng sản xuất xanh. Niềm tin của người tiêu dùng vào một doanh nghiệp có thể được nâng cao bằng cách tăng tính minh bạch về các quy trình sản xuất và vận hành của họ.

Báo điện tử Dân trí đưa tin: WHO dự báo tương lai chấm dứt đại dịch Covid-19.

https://dantri.com.vn/the-gioi/who-du-bao-tuong-lai-cham-dut-dai-dich-covid19-20220125014214878.htm

Tổng giám đốc WHO cho rằng Omicron không phải biến chủng cuối cùng và thế giới cần có các biện pháp để chấm dứt đại dịch.

Trong nhiều tháng qua, WHO đã kêu gọi các quốc gia hành động nhiều hơn nữa để đẩy nhanh việc phân phối vaccine ở các nước nghèo hơn, kêu gọi tất cả quốc gia tiêm vaccine cho ít nhất 70% dân số vào giữa năm nay.

Đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 5,5 triệu người thiệt mạng kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019 và số ca nhiễm đã tăng lên mức kỷ lục do biến chủng Omicron mới.

Kể từ khi Omicron lần đầu tiên được phát hiện ở phía nam châu Phi cách đây 9 tuần, 80 triệu ca nhiễm mới đã được ghi nhận - nhiều hơn toàn bộ số ca trong năm 2020.

Người đứng đầu WHO cho biết thế giới cần học cách chung sống với Covid-19. Ông Tedros nhấn mạnh, "rất nguy hiểm khi cho rằng Omicron sẽ là biến chủng cuối cùng, hoặc là biến chủng kết thúc đại dịch".

Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào tháng 11 năm ngoái và hiện đã lan ra hơn 150 quốc gia trên thế giới. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Omicron dường như gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn với những người đã tiêm chủng. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng, Covid-19 bắt đầu chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu có thể kiểm soát được như bệnh cúm mùa mà không gây ra mối đe dọa hay làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, xã hội.

Báo Tuổi trẻ có bài: Cận Tết, cảnh giác thực phẩm '3 không'.

https://tuoitre.vn/can-tet-canh-giac-thuc-pham-3-khong-20220124205515789.htm

Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng mạnh và đây cũng là thời điểm bánh mứt kẹo "3 không" (không bao bì, không nhãn mác, không hạn sử dụng) "tung hoành" nhiều nhất trên thị trường...

Không chỉ ở các chợ, thị trường thực phẩm phục vụ ngày Tết trên mạng xã hội những ngày gần đây cũng rất sôi động với muôn vàn mặt hàng hấp dẫn và phần lớn được giới thiệu làm bằng phương pháp thủ công, tại nhà. Mặc dù chỉ là hình ảnh chụp lại nhưng việc mua bán vẫn nhộn nhịp, lượng tương tác nhiều.

PGS Trần Hồng Côn cho rằng vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ bánh, mứt, kẹo tăng cao; do đó sản phẩm kém chất lượng, hàng nhái, hàng "3 không" được tung ra thị trường bán nhiều hơn.

Với vô vàn thực phẩm ngày Tết được bày bán, trong đó có hàng kém chất lượng được "hô biến", tâng bốc qua lời giới thiệu của người bán thành sản phẩm an toàn, khiến người mua rất khó phân biệt đâu là hàng chất lượng, đâu là hàng kém chất lượng.

Do đó, người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đầy đủ thông tin ngày sản xuất và hạn sử dụng, không hỏng mốc, không có mùi khó chịu. Tránh chọn mua những sản phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.

Đối với các sản phẩm mứt khô nên chọn loại có màu sắc tự nhiên, hạn chế loại có nhiều màu sắc tổng hợp; bao bì còn nguyên vẹn, bày bán nơi thoáng mát, mới sản xuất và còn hạn sử dụng. Quan sát kỹ bên ngoài sản phẩm nếu phát hiện mứt bị mốc thâm kim hay mốc xanh, mùi hôi, chảy nước, mùi chua thì tuyệt đối không dùng.

S1959 (Tổng hợp)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn