Điểm tin ngày 16/06/2021

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 16/06/2021 11:48:00 AM - Lượt xem: 12 lượt xem.

Xin mời anh chị em và các bạn đến với một số thông tin đáng chú ý ngày hôm nay.

Ảnh: Anh Tú

Báo điện tử VTC News đưa tin: Sáng 16/6, Việt Nam thêm 92 ca COVID-19.

https://vtc.vn/sang-16-6-viet-nam-them-92-ca-covid-19-ar618667.html

Sáng 16/6, theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam thêm 92 người mắc COVID-19, trong đó 91 trường hợp ghi nhận trong nước.

Trong 92 ca mắc mới (BN11213-BN11304) mới có 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP.HCM; 91 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (61), TP.HCM (19), Bắc Ninh (9), Hà Tĩnh (2).

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện Việt Nam chữa khỏi cho 4.543 ca bệnh. Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 61 người.

Trong số những trường hợp mắc bệnh đang điều trị, 343 người có kết quả âm tính lần 1, 99 người âm tính lần 2 và 55 bệnh nhân âm tính lần 3 với SARS-CoV-2. 

Ngày 15/6, cả nước có thêm 95.421 người được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Tính đến 16h cùng ngày, Việt Nam đã tiêm phòng COVID-19 đợt 1, 2 và 3 tại các tỉnh/thành phố với 1.648.072 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 là 63.636 người.

Báo điện tử Vietnamnet có bài: Các triệu chứng phổ biến của Covid-19 đã thay đổi.

https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-trieu-chung-pho-bien-cua-covid-19-da-thay-doi-746035.html

Nhiều bệnh nhân Covid-19 tưởng nhầm mình bị cảm lạnh do có các biểu hiện như đau đầu, sổ mũi, hắt hơi.

Trong hơn một năm qua, các bác sĩ khuyến cáo, biểu hiện chính của những người mắc Covid-19 là ho, mất khứu giác và sốt. Nhưng kết luận này dường như đã lỗi thời và có thể khiến một số người nhiễm virus SARS-CoV-2 chủ quan, dẫn tới lây bệnh cho người khác.

Theo dữ liệu mới, nếu bạn dưới 40 tuổi, các dấu hiệu cần để ý lúc này là đau đầu, đau họng và sổ mũi. Nếu bạn trên 40 tuổi, các dấu hiệu chính là đau đầu, sổ mũi và hắt hơi.

Trong thời gian gần đây, đau đầu là dấu hiệu phổ biến nhất, xuất hiện ở 66% ca bệnh Covid-19 dưới 40 tuổi và 53% ca trên 40 tuổi.

Những người trên 40 tuổi có ít triệu chứng hơn hoặc thường rất nhẹ do thực tế nhiều người ở độ tuổi này đã được tiêm vắc xin. Họ không có các triệu chứng phổ biến là ho, sốt hoặc mất khứu giác.

Trước đây, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh khuyến cáo mọi người nên làm xét nghiệm SARS-CoV-2 nếu có ít nhất một trong ba triệu chứng chính là ho, sốt và mất vị giác, khứu giác.

Báo Hà Nội mới có bài: Phòng, chống ma túy học đường để bảo vệ thế hệ tương lai.

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1002866/phong-chong-ma-tuy-hoc-duong-de-bao-ve-the-he-tuong-lai

Những năm gần đây, ma túy và các chất gây nghiện xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, len lỏi vào học đường, khiến tỷ lệ người trẻ sử dụng ma túy có xu hướng tăng, gây ra những thiệt hại lớn. Vì thế, các cơ quan chức năng đã, đang đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy học đường để bảo vệ thế hệ tương lai.

Bản thân người sử dụng ma túy bị suy giảm nghiêm trọng về hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, các bệnh về da, chức năng thải độc gan, dẫn đến suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động. Ngoài ra, ma túy còn gây tổn hại về thần kinh với cá nhân người sử dụng, biểu hiện rõ nhất là chứng loạn thần, “ngáo đá”. Trường hợp sử dụng ma túy quá liều có thể bị chết đột ngột

Gia đình và xã hội mất đi những thành viên tốt, công dân tốt, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực. Về mặt kinh tế, hằng năm, nhà nước, gia đình và cộng đồng còn phải tiêu tốn rất nhiều tiền để phòng, chống ma túy, hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy biểu hiện ngày càng phức tạp.

Để bảo vệ thế hệ tương lai trước hiểm họa ma túy, những năm qua, Công an thành phố Hà Nội luôn sát cánh cùng các nhà trường, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng thời kiểm tra, kiểm soát, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm về sử dụng trái phép các chất ma túy trong khu vực xung quanh trường học, quán bar, karaoke, vũ trường, tạo thành “pháo đài” ngăn chặn ma túy vào học đường.

Cùng với công tác tuyên truyền, ngành Giáo dục Thủ đô đang nghiên cứu để xây dựng dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” theo hình thức xã hội hóa. Vì vậy, ngoài những hoạt động thường xuyên, trong Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021, các ngành, địa phương thành phố Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động, nhằm nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng trong công tác phòng, chống ma túy theo hình thức trực tuyến và qua các phương tiện truyền thông.

S1959 (Tổng hợp)

 

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn