Điểm tin ngày 08/06/2021

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 08/06/2021 10:53:00 AM - Lượt xem: 15 lượt xem.

Xin mời anh chị em và các bạn đến với một số thông tin đáng chú ý ngày hôm nay.

Báo Dân trí đưa tin: Sáng 8/6, thêm 44 ca Covid-19 tại 4 địa phương.

https://dantri.com.vn/suc-khoe/sang-86-them-44-ca-covid19-tai-4-dia-phuong-20210608060445291.htm

Tính từ 18h ngày 7/6 đến 6h ngày 8/6, nước ta có 44 ca mắc mới Covid-19 (BN8984-9027):

- 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam.

- 43 ca ghi nhận trong nước tại: Bắc Giang (22), TPHCM (15), Bắc Ninh (6); trong đó 41 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Về tình hình điều trị:

- Số ca điều trị khỏi: 3.509 ca.

- Số ca tử vong: 53 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 176.398.

Trong ngày 7/6, có thêm 87.016 người được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Tính đến 16 giờ ngày 7/6, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin tại các tỉnh thành với 1.340.098 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 38.166 người.

Báo điện tử VnExpress có bài: Dệt may Việt Nam vừa đón đơn hàng dồi dào vừa lo chống dịch.

https://vnexpress.net/det-may-viet-nam-vua-don-don-hang-doi-dao-vua-lo-chong-dich-4290477.html

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã có đơn hàng hết quý III và cả năm. Thực tế này trái ngược với một năm trước khi Covid-19 bắt đầu bùng phát, các doanh nghiệp dệt may chỉ có đơn hàng theo tuần.

Đơn hàng dệt may "đổ" về nhiều, theo giải thích của Bộ Công Thương, do nhu cầu mua sắm hàng hoá tiêu dùng (quần áo, giày dép...) của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU, Nhật Bản... tăng rõ rệt khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi và dần dỡ bỏ lệnh phong toả.

Đơn hàng dồi dào, nhưng nguy cơ với doanh nghiệp sản xuất như dệt may trong làn sóng dịch thứ 4 lần này, theo Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) là vô cùng lớn. Ông cho biết, tới giờ đã có ít nhất 45 doanh nghiệp dệt may phải tạm dừng sản xuất từ hơn 2 tuần nay. Các ông chủ dệt may có nhà máy dừng hoạt động đứng trước áp lực vừa "đội" chi phí sản xuất, vừa phải xoay tiền trả lương cho công nhân để giữ chân họ, rồi nơm nớp đền bù khách hàng hoặc phải đổi phương thức vận chuyển đắt hơn bằng đường hàng không để kịp thời gian giao hàng đối tác.

Vì thế, ngoài xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh với tâm thế "không lơ là chủ quan", ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng, lúc này đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho công nhân tại các khu công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tại một số địa phương đang là "vùng dịch" như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP HCM, Hà Nội là giải pháp hữu hiệu nhất.

Các doanh nghiệp của Vinatex sẵn sàng chi trả tất cả chi phí để tiêm vaccine cho người lao động. Theo tính toán, các doanh nghiệp thuộc Vinatex sẽ dành 100-200 tỷ đồng cho chi phí tự tiêm vaccine.

Báo Sức khỏe và Đời sống có bài: Tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin COVID-19, vẫn cần đeo khẩu trang để ngừa bệnh.

https://suckhoedoisong.vn/tiem-du-2-lieu-vac-xin-covid-19-van-can-deo-khau-trang-de-ngua-benh-n194471.html

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), người đã được tiêm chủng đầy đủ sẽ không cần phải đeo khẩu trang, ngoại trừ những khu vực có nguy cơ cao như bệnh viện, viện dưỡng lão và trên các phương tiện giao thông công cộng... Nhưng điều này có thể chưa phù hợp với nhiều quốc gia.

 Sự thay đổi này tạo thêm động lực cho người Mỹ đi tiêm chủng. Có lẽ đây là một trong những điều mà mọi người đang mong đợi trong nỗ lực trở lại bình thường, nhưng việc này có thể chưa phải là cách tiếp cận phù hợp cho tất cả các quốc gia.

Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, ông Ngô Tôn Hữu thì khuyên mọi người nên tiếp tục đeo khẩu trang ngay cả khi đã được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Ngô Tôn Hữu cho biết, tiêm chủng là một phương pháp sinh học để ngăn ngừa bệnh, trong khi khẩu trang và giãn cách xã hội là các biện pháp y tế công cộng nhằm mục đích phòng ngừa và kiểm soát bệnh. Hai phương diện này tương thích lẫn nhau, không phải loại trừ nhau, ông Ngô cho biết và chỉ rõ trước khi thiết lập khả năng miễn dịch cộng đồng chống lại virus, thì vẫn cần đeo khẩu trang. Cũng có những lo ngại rằng đeo khẩu trang trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp, nhưng theo ông: “Đeo khẩu trang chỉ mang lại điều tốt cho cá nhân, cho gia đình và cho xã hội”.

Hồng Hạnh (TH)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn