Dệt May Việt Nam và những dấu mốc mới

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 15/12/2018 02:33:00 PM - Lượt xem: 84 lượt xem.

Sáng ngày 14/12, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2018 và đưa ra phương hướng cùng các giải pháp cho năm 2019.Năm 2018 là một năm thành công đối với hoạt động xuất khẩu của ngành với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36,1 tỷ USD.

Ảnh: Thái Nguyễn

Tham dự hội nghị có ông Cao Quốc Hưng- Thứ trưởng Bộ Công Thương; Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội DMVN; Ông Trương Văn Cẩm- Phó chủ tịch, Tổng thư kí Hiệp hội DMVN; Ông Lê Tiến Trường- Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam; Ông Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, các vị quan khách là lãnh đạo các bộ, ban, ngành và sự hiện diện đông đảo các vị đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội.

Năm 2018 là một năm thành công đối với hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam, nhiều chỉ số tăng trưởng của ngành lần đầu cán mốc: Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36,1 tỷ USD, vượt 1,5 tỷ USD so với mục tiêu đề ra, tăng 16,01% so với năm 2017, giá trị thặng dư thương mại đạt 17,86 tỷ USD.

Năm qua, Hiệp hội Dệt May Việt Nam tiếp tục tập trung tổng hợp phản ánh nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp hội viên với Chính phủ, các Bộ ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho cho doanh nghiệp về cơ chế chính sách, các quy định không phù hợp. Bên cạnh những hoạt động tham vấn và vận động chính sách, trong năm 2018 Hiệp hội đã tham gia nhiều Hội nghị và Hội thảo quốc tế về chính sách phát triển ngành dệt may, về tác động của các Hiệp định FTAs thế hệ mới.

Năm 2019, mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành ước đạt 40 tỉ USD, tăng 11,1% so với năm 2018, thặng dư thương mại ước đạt 20 tỉ USD. Năm 2019 cũng là năm có nhiều thách thức với dệt may Việt Nam như: Chất lượng tăng trưởng còn chậm, chưa bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp. Tiềm lực, sức cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.Ứng dụng công nghệ cao ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực còn hạn chế.Ưu thế vượt trội của các doanh nghiệp FDI (hiện chiếm khoảng 62% kim ngạch xuất khẩu, trong đó XK dệt may chiếm 60,6%, xuất khẩu xơ sợi 72,1%).Các FTAs phần lớn áp dụng quy tắc xuất xứ (CPTPP từ sợi, EVFTA từ vải…), trong khi dệt may Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu còn rất lớn. Một số nước xuất khẩu dệt may coi Việt Nam là đối thủ nên tập trung hỗ trợ cho dệt may nước mình như Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ... Các cơ chế chính sách tuy đã được Chính phủ, các Bộ ngành rà soát tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều rào cản cho doanh nghiệp.

Chung Thủy

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn