Quy tắc trên mâm cơm Việt: có phải phú quý sinh lễ nghĩa?

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 17/01/2019 09:53:00 AM - Lượt xem: 37 lượt xem.

"Bữa cơm của tôi chỉ mất… 3 phút, mỗi người một tô, ai đói thì ăn trước. Để nhớ, làm được hết mớ quy tắc được chia sẻ mới đây, bữa ăn chắc cần 3 tiếng mới đủ", một người nêu ý kiến.

Theo đó, bài viết đưa ra những quy tắc như:

Vấn đề dùng đũa:

 Không và quá 3 lần khi đưa bát cơm lên miệng

 Không gắp thức ăn đưa thẳng vào miệng mà phải đặt vào bát riêng rồi mới ăn.

 Không dùng thìa đũa cá nhân của mình quấy vào tô chung

 Không xới lộn đĩa thức ăn để chọn miếng ngon hơn

 Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm.

 Phải trở đầu đũa khi muốn tiếp thức ăn cho người khác...

Khi ngồi ăn:

Không được rung đùi

Không ngồi chống cằm trên bàn ăn

Khi nhai tối kỵ chép miệng

Không tạo tiếng ồn khi ăn 

Không nhúng đầu đũa vào bát chấm, miếng đã cắn dở không được chấm

Không ăn trước người lớn tuổi, chờ bề trên bưng bát lên mình mới được ăn

Khi đang ăn mà có việc riêng phải xin phép rồi mới rời mâm...

Nhiều ý kiến cho rằng đó là các quy tắc ngày xưa và chỉ áp dụng trong các gia đình "phú quý sinh lễ nghĩa", nhà nghèo thì chỉ cần no cái bụng là được. Ngày nay, khi cuộc sống quá bận rộn với những bữa ăn gấp gáp mà phải áp dụng các quy tắc trên thì rất mệt mỏi. 

"Bữa cơm của tôi chỉ mất… 3 phút, mỗi người một tô, ai đói thì ăn trước. Để nhớ, làm được hết mớ quy tắc trên, bữa ăn chắc cần 3 tiếng mới đủ", một người nêu ý kiến.

 

Tuy nhiên, cũng  khá đông ý kiến cho rằng có thể không quá khắt khe, cứng nhắc phải làm tất cả các quy tắc nhưng những điều cơ bản nhất thì cần chú ý. "Gia đình mình cũng chỉ cấm những điều cơ bản, như đang ăn uống không được để chân lên ghế, không nói khi đang nhai cơm, không gõ chén bát khi đang bới cơm, dọn cơm, vào mâm cơm thì phải mời cả nhà ăn cơm, chờ cho người lớn gắp trước rồi mới được gắp cơm...", Duy Khanh chia sẻ.

Quy tắc trên mâm cơm Việt: có phải phú quý sinh lễ nghĩa? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: PHẠM NGUYỄN CA DAO

Người than trời nhưng cũng có người nói những điều trên không xa lạ, từ nhỏ đã được ông bà, cha mẹ chỉ dạy, "ngấm vào máu" thành thói quen. "Thành thói quen rồi thì dễ thôi. Ví dụ cầm đũa ra sao, gắp thức ăn thế nào định hình sẵn trong đầu, chứ không phải cứ ngồi xuống mâm mới lục lại những gì đã học thuộc. Thói quen khác với thuộc vịt. Do đó không mất 3 tiếng để làm hết được những quy tắc trên như có người than" - bạn Nguyễn Thanh Huyền bình luận.

Tương tự, nếu mọi người xem đó là sự khắt khe, giáo điều thì được dạy các quy tắc trên rất có ý nghĩa với Phương Nguyễn: "Tôi được ông ngoại, bố mẹ dạy từ bé. Lúc đó thấy rất khó chịu, nhưng giờ đi lấy chồng mới thấy cần thiết. Nhiều người chỉ cần nhìn vào cách ăn cơm của mình mà đánh giá cả gia đình rồi".

Phép lịch sự tối thiểu

Với nhiều người, có những quy tắc khi ngồi vào bàn ăn, không ai nhắc nhưng cần phải biết. Những "quy tắc bất thành văn" ấy không còn là phong tục, áp dụng cho riêng vùng miền nào mà là phép lịch sự tối thiểu, thể hiện văn hóa của mỗi cá nhân.

"Trước đây tôi ở ký túc xá, mọi người thường mua cơm về ăn trong phòng ăn. Một bạn nữ có tật ăn cơm chép miệng rất to. Chúng tôi không rõ cha mẹ hay những người quanh bạn có phiền không, hay cũng ngại không nhắc. Tuy nhiên, chúng tôi khá "dị ứng" khi phải nghe những âm thanh ấy. 

Có lần, chúng tôi đã nói khéo nhưng bạn vẫn không sửa. Sau này, mỗi lần bạn ấy mang cơm về phòng ăn, mọi người không ai bảo ai, tự về giường mình, đeo tai nghe vào", một bạn trẻ kể lại câu chuyện.

Nguyễn Minh Hiếu (27 tuổi, Hà Nội) đồng tình cách đi đứng, ứng xử, ăn uống, nói năng sẽ tạo nên nét đẹp của một người. Quanh "mâm cơm Hà Nội" bây giờ cũng không bị "soi" quá kỹ, khắt khe như ngày trước, nên lớp trẻ như Hiếu cũng thoải mái hơn. 

Tuy nhiên, Hiếu quan điểm: "Mình biết khá nhiều điều trong quy tắc trong mâm cơm được chia sẻ trên mạng gần đây. Ngày xưa đúng là như thế thật. Với những cái cơ bản thì bà và mẹ dạy, và bây giờ mình vẫn làm. Mình nghĩ đó không hẳn là văn hóa hay phong tục, mà nhiều quy tắc mọi người nên biết để giữ được phép lịch sự". 

Còn Đặng Thị Thùy Trang (Lâm Đồng) dù không "giáo trình" cụ thể nhưng vẫn biết những điều nên khi ăn uống: "Hồi nhỏ, mình làm theo ba mẹ, cái gì không ổn thì ba mẹ sẽ nhắc để sửa. Dần dần thành quen, ví dụ không đụng đũa đã ăn vào tô canh mà phải dùng muỗng, không gắp thẳng đồ ăn từ mâm vào miệng, nhai nhẹ nhàng, trong chén đang còn thức ăn thì không nên tự gắp thêm". 

"Lúc đi ăn lẩu, tôi không dám ăn nước khi thấy quá đông người nhúng đầu đũa đang ăn vào nồi để gắp. Tôi cảm thấy không được vệ sinh và lịch sự lắm", Trang kể.

Thạch Thị Mỹ Quyên (26 tuổi, Sóc Trăng) thì nhận xét người miền Tây quê cô không quá câu nệ, khắt khe trong ăn uống, ai đói thì ăn trước, có thể mỗi người một tô riêng. Tuy nhiên, những điều cơ bản thì cha mẹ đều nói con cái: "Tôi cũng làm mấy cái cơ bản thôi, như trở đầu đũa khi gắp đồ ăn cho người khác. Trong bàn tiệc có làm món gì như bò né thì phải lấy đũa sạch, hoặc trở đầu đũa để xào thịt cho vệ sinh. Không chấm miếng thức ăn đã ăn dở vào chén. Gắp thức ăn vào chén mình rồi mới bỏ vào miệng. Còn người giúp việc trong vẫn có thể ăn chung chứ không phân biệt phải ngồi mâm riêng như quy định mình mới đọc được gần đây".

Với nhiều người, việc biết và nắm được các quy tắc khi ngồi vào bàn ăn sẽ giúp bản thân tránh được những tình huống mất mặt. Trúc Cẩm (Bình Thuận) chia sẻ: "Nhà mình là dân biển, nên ăn uống thoải mái lắm. Ba mẹ cũng chẳng dạy hay nhắc gì. Tuy nhiên, sau này đi làm, những lúc đi ăn chung, sếp mình cũng hay chỉnh, góp ý nếu ai đó có cách uống không được đẹp. Mình cũng học được nhiều", Cẩm nói.

(Theo MINH PHƯỢNG/tuoitre)
 
Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn