Dấu hiệu báo trước một đám đông 'nguy hiểm'

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 02/11/2022 05:07:00 PM - Lượt xem: 11 lượt xem.

Các sự kiện đông người như lễ hội Halloween ở phố Itaewon (Seoul) có thể chuyển từ giây phút vui vẻ đến thảm họa chỉ trong tích tắc.

Theo Washington Post, thảm họa giẫm đạp trong lễ Halloween ở phố Itaewon (Seoul) đêm 29/10 là một minh chứng rõ ràng nhất đối với những nguy hiểm ai cũng có thể đối mặt khi tham gia các sự kiện đông người. Vụ tai nạn khiến 156 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

Các chuyên gia cho rằng các sự kiện tập trung đông người như vậy thường có một số dấu hiệu báo trước về nguy cơ xảy ra hiện tượng "đám đông đè ép" mà những người tham dự có thể nhận biết sớm để giảm thiểu rủi ro và nâng cao cơ hội sống sót.

Dấu hiệu báo trước một đám đông “nguy hiểm”

Washington Post dẫn lời các chuyên gia cho biết sự cố xảy ra do hiện tượng "đám đông đè ép", khi quá đông người dồn vào một không gian chật hẹp, quá trình này đến chỉ trong vài giây. Vào thời điểm bản thân chúng ta bắt đầu cảm thấy nguy hiểm thì đám đông đã chật cứng người không thể thoát ra được.

Dấu hiệu báo trước một đám đông 'nguy hiểm' - 1

Tình huống mô phỏng đám đông bất thường và cách thoát ra do đài KBS thực hiện. (Ảnh: KBS)

Theo G. Keith Still, giáo sư về khoa học kiểm soát đám đông tại Đại học Suffolk, Anh, nếu đám đông đang di chuyển bình thường bỗng nhiên chậm lại, đó là dấu hiệu cảnh báo sớm nhất cho thấy mật độ người trong khu vực đang tăng lên.

Lắng nghe âm thanh của đám đông là quan trọng. Nếu bạn nghe thấy mọi người phàn nàn về sự chật chội và cả tiếng khóc thì đó là tín hiệu cho thấy sự việc đang vượt quá tầm kiểm soát. Việc thoát ra ngoài sớm hay muộn hoàn toàn dựa vào bản năng của mỗi người.

Tại thảm họa ở phố Itaewon, một số nạn nhân cho biết khi cảm thấy đám đông ngày một lớn và nguy hiểm, họ đã lựa chọn di chuyển ra một vị trí khác.

Martyn Amos, một chuyên gia về đám đông và là giáo sư khoa học máy tính và thông tin tại Đại học Northumbria, cho biết một khi mật độ đám đông bắt đầu vượt quá khoảng 5 người trên một mét vuông thì tình hình đang trở nên nguy hiểm.

Các chuyên gia về đám đông đã ước tính, dựa trên các đoạn video từ hiện trường, có khoảng 8 đến 10 người trên một mét vuông trong thảm kịch Itaewon.

Mặc dù có thể khó đánh giá mật độ đám đông, nhưng bạn sẽ nhận thấy khi nào bạn bắt đầu cảm thấy khó khăn trong việc di chuyển, điều này có nghĩa là đã đến lúc phải rời đi.

“Ngay khi bạn cảm thấy mất khả năng di chuyển cơ thể, đó chính là dấu hiệu”, Amos nói.

“Đó là khi bạn bắt đầu rơi vào tình huống không thể di chuyển theo hướng bản thân muốn, và bắt đầu bị dòng người cuốn đi. Trong tình huống đó việc có thể di chuyển sang một hướng đi khác là điều không thể thì hãy nhanh chóng tìm kiếm và di chuyển đến ‘lối thoát’ gần nhất khi có cơ hội”, Amos nói thêm.

Nên làm gì nếu mắc kẹt giữa đám đông?

Theo Martyn Amos, khi đám đông ngừng di chuyển và trở nên kẹt cứng, ưu tiên hàng đầu của bạn là đứng yên, giữ cho cánh tay không bị kẹp cứng ở hai bên, bảo vệ ngực và bảo tồn oxy, thay vì cố gắng vùng vẫy, chen lấn.

Dấu hiệu báo trước một đám đông 'nguy hiểm' - 2

Khi đám đông trở nên quá chật chội, tay bạn có thể bị kẹp chặt vào bên hông. Dùng tay thuận nắm lấy cẳng tay kia, tạo thành lá chắn trước ngực, với khuỷu tay như rào chắn chống lại những người xung quanh đang chèn ép.

Để đứng vững, bạn cần gồng mình nhưng cũng phải di chuyển nương theo đám đông hơn là chống lại nó. Đám đông dày đặc có thể di chuyển như những đợt sóng.

"Hãy nương theo dòng người, bạn không thể tránh việc bị đám đông ‘điều khiển’", giáo sư Amos cho hay.

Theo chuyên gia Paul Wertheimer đến từ Crowd Management Strategies, công ty tư vấn về an toàn đám đông (Mỹ), tư thế đứng phù hợp nhất của một người trước đám đông là giống như võ sĩ quyền anh, hai chân tách ra, đặt một chân lên trước chân còn lại, đầu gối hơi chùng xuống.

 

Một lưu ý quan trọng khác là phải cố gắng giữ tay trên cao. Khi đám đông trở nên quá chật chội, tay bạn có thể bị kẹp chặt vào bên hông. Dùng tay thuận nắm lấy cẳng tay kia, tạo thành lá chắn trước ngực, với khuỷu tay như rào chắn chống lại những người xung quanh đang chèn ép. Nhờ vậy, bạn sẽ bảo vệ được ngực và duy trì một vùng oxy quanh mình.

"Nếu có một chiếc ba lô, hãy đeo nó về phía trước", Wertheimer nói.

Những người thấp bé có nguy cơ bị hạn chế oxy hơn người cao lớn. Không nên đưa trẻ em vào đám đông, nhưng nếu điều đó xảy ra, hãy đặt trẻ lên vai hoặc bế trên tay, chân kẹp chặt quanh eo người lớn.

La hét là một hành động lãng phí năng lượng và oxy. Các chuyên gia lưu ý mọi người cần giữ bình tĩnh và ngẩng cao đầu để có không khí tối đa.

Nếu đánh rơi điện thoại hay bất kỳ vật dụng nào khác, đừng cố gắng nhặt chúng. Nếu cúi xuống để nhặt đồ, bạn khó có thể đứng lên trở lại. Nếu bị vấp ngã, hãy cố gắng hết sức đứng dậy, nhưng nếu không thể, khả năng sống sót sẽ cao hơn nếu bạn nằm theo tư thế bào thai, nghiêng về bên trái và lấy tay bảo vệ đầu. Cơ thể sẽ rất dễ bị tổn thương nếu nằm ngửa hoặc nằm sấp.

Nguyên nhân khiến nhiều người chết trong các vụ giẫm đạp

Nhiều người chết trong các sự kiện đông người không phải do bị giẫm đạp. Một số người phải vật lộn để thở và bất tỉnh trong khi họ vẫn đang đứng; những người khác ngất xỉu và ngã xuống giữa dòng người. Nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất trong các thảm họa đám đông là ngạt khí vì bị chèn ép quá mức. Điều này có nghĩa là bạn bị ép chặt đến mức phổi không thể giãn nở bên trong lồng ngực.

Theo giáo sư Still, cơ thể sẽ chuyển sang trạng thái ngạt sau khoảng 6 phút chịu áp lực liên tục giữa đám đông.

Các chuyên gia thường so sánh lực tác động trong một đám đông dày đặc với chuyển động sóng trên đại dương. Trong một đám đông quá tải, các tương tác vật lý giữa con người với nhau tạo ra lực truyền từ cơ thể này sang cơ thể khác, tạo ra những đợt sóng và vòng xoáy chuyển động không thể kiểm soát được gọi là "nhiễu động đám đông" hoặc "rung chấn đám đông", có thể khiến mọi người chao đảo và vấp ngã.

Dấu hiệu báo trước một đám đông 'nguy hiểm' - 3

Cơ thể con người sẽ chuyển sang trạng thái ngạt sau khoảng 6 phút chịu áp lực liên tục giữa đám đông.

Khi một người ngã trong đám đông có thể tạo ra hiệu ứng domino. Những người xung quanh đột nhiên mất một điểm tựa, ngã nhào theo và chồng chất lên nhau, khiến những người ở lớp dưới cùng rất dễ thiệt mạng do ngạt.

Những người may mắn có thể thoát khỏi đám đông vẫn có thể hứng chịu nhiều tổn thương khác như gãy xương, tổn thương tim phổi, chấn thương cột sống hay xuất huyết nội tạng. Những người kẹt trong đám đông nói rằng sức ép còn khiến chân tay họ tê liệt. Khi bị tổn thương, các mô cơ sẽ giải phóng protein và chất điện giải vào máu, gây hại cho tim hoặc thận, có khả năng đe dọa tính mạng.

Các chuyên gia cho biết cơ hội sống sót của bạn sẽ tăng lên nếu những người xung quanh cũng đứng vững. Khi một người ngã, nó có thể khiến cả đám đông ngã theo, vì thế, nếu ai đó xung quanh bạn bị trượt chân hoặc ngã, hãy cố gắng giúp họ đứng dậy.

"Điều này tăng cơ hội sống không chỉ của họ mà còn cả chính bạn", giáo sư Amos lưu ý. "Đối đầu với đám đông quá tải không phải một trận chiến. Hợp tác để cùng sống sót là vì lợi ích của tất cả mọi người".

Đâu là nơi an toàn nhất giữa một đám đông hỗn loạn?

Mỗi đám đông đều có các đặc điểm khác nhau và giới chuyên gia đánh giá những nạn nhân mắc kẹt trong thảm kịch Itaewon dường như không có nhiều lựa chọn vì con phố quá hẹp và người quá đông.

Ở rìa hoặc phía sau đám đông thường an toàn hơn là ở giữa và phía trước. Tại các buổi hòa nhạc, những người ở gần sân khấu hoặc hàng rào có thể đối mặt với nguy cơ bị đè bẹp khi đám đông tăng lên. Trong khi đó, những người ở giữa phải chịu áp lực từ cả phía trước và phía sau.

Cơ hội tốt nhất là cố gắng di chuyển theo đường chéo để bạn không bị ngược với dòng người đồng thời vẫn tiến về rìa của đám đông.

"Vấn đề trong một đám đông chen lấn là tầm nhìn của bạn rất hạn chế. Rất khó để một người có thể nhận biết được đám đông có nguy hiểm hay không khi chưa ở trong đó", giáo sư Amos lưu ý.

(Theo TRÀ KHÁNH/VTC)
Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn