Chứng bệnh có thể khiến bạn bỗng dưng gọi mọi người là "anh em thiện lành" và muốn khai sáng nhân loại

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 22/08/2018 07:42:00 AM - Lượt xem: 29 lượt xem.

“Bệnh nhân luôn cho mình là “siêu nhân” có nhiệm vụ giải cứu thế giới, với những suy nghĩ kỳ quái, những hiểu biết được “ai đó” chỉ dạy, hoặc cho mình giàu sụ, quyền quý, tài năng…” – TS Dũng cho hay.

Chị L.Q.H (27 tuổi, quê ở Thanh Hoá) vốn là kế toán công ty tư nhân ở Hà Nội. Chị có ngoại hình xinh xắn, ưa nhìn. Cho rằng mình là “tay hòm chìa khoá” của công ty, là người có tiền, quản lý chi tiêu, “cận thần” của “sếp” nên khi thấy sếp đi đánh tennis, chị này cũng đua theo tập tành.

Chị luyện tập đều đặn đến mức cuồng nhiệt. Nữ kế toán xinh đẹp luyện tập tennis suốt đêm ngày, quên ăn uống. Chị tự cho mình là tài giỏi, trình cao, “chấp” tất cả mọi người. Nhưng vì dinh dưỡng và luyện tập bị "vênh" nên cơ thể tạo ra có sự chuyển hoá mà chị không biết, gây ra rối loạn tâm thần.

Nữ bệnh nhân này cuồng nộ đến mức, mỗi lần thấy ai cầm vợt tennis là chị ta giằng lấy, đòi thi đấu, đánh lại. Đỉnh điểm, có lần một vị quan chức “to to” tham gia đánh tennis, chị xông vào, đòi đánh vị lãnh đạo này. Công ty quá sợ và đưa đến viện Sức khoẻ tâm thần để khám, điều trị” – TS.BSCK2 Nguyễn Văn Dũng, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) nhớ lại. Kết quả, chị bị rối loạn tâm thần phân liệt, chứng hoang tưởng

 tự cao.


TS Nguyễn Văn Dũng trao đổi cùng người nhà bệnh nhân tại Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).

TS Nguyễn Văn Dũng trao đổi cùng người nhà bệnh nhân tại Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).

Một trường hợp khác cũng luôn cho rằng mình là người tài giỏi, nhiều tiền, là ông N.V.B (ở Sóc Sơn, Hà Nội). Ông B vốn là người buôn bán gỗ. Có được chút vốn để dành, ông B bèn lấy đi buôn đất. Ban đầu, vốn rủng rỉnh, ông B rất tự hào khả năng buôn bán của mình.

Thời gian sau, đất ông B mua thì đắt nhưng bán lại rẻ, vốn mỏng dần. Không quán xuyến được việc buôn bán, ông B ngập trong nợ nần, bán hết nhà cửa vẫn không trả được nợ. Ông B thành “chúa chổm”. Chủ nợ siết các loại không được, đành báo công an. Trước công an, ông B vẫn một mực cho rằng mình rất giỏi buôn bán, và có rất nhiều tiền.

Thấy ông có biểu hiện “ảo tưởng sức mạnh”, gia đình, công an áp chế ông đi giám định tâm thần ở Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).

Hoang tưởng – triệu chứng quan trọng số 1 của tâm thần phân liệt

BS Lê Quốc Nam - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) cho biết, với tâm thần phân liệt, hoang tưởng là triệu chứng quan trọng số 1.

Hoang tưởng được hiểu là những ý tưởng sai lầm, không phù hợp với thực tế, do bệnh tâm thần gây ra nhưng bệnh nhân cho là hoàn toàn đúng, không thể giải thích hay phê phán được. Nội dung hoang tưởng rất đa dạng, nhưng thường gặp nhất là: Hoang tưởng tự cao; hoang tưởng bị hại; hoang tưởng bị chi phối.

Trong đó, với hoang tưởng bị hại, bệnh nhân nghĩ rằng những người hàng xóm hay người trong gia đình đang tìm cách đầu độc mình, nghe tiếng động thôi cũng nghĩ có người muốn giết mình.

Với hoang tưởng bị chi phối, bệnh nhân nghĩ rằng có một thế lực vô hình nào đó đang kiểm soát mọi suy nghĩ hay hành động của mình … Nhìn vào đâu cũng thấy như có ai đang theo dõi, dò xét, và luôn có thái độ sợ người khác tấn công.

Tùy theo nội dung hoang tưởng, bệnh nhân sẽ có một số phản ứng khác nhau. Đơn cử, bệnh nhân sẽ từ chối không ăn cơm chung với gia đình và tự nấu ăn nếu bệnh nhân nghi có ai tìm cách đầu độc mình” – BS Lê Quốc Nam nói.

Đối với hoang tưởng tự cao, các bác sĩ chuyên ngành Tâm thần học cho biết, đây là chứng có thể gặp trong nhiều bệnh tâm thần khác nhau, đa số là tâm thần phân liệt, tâm thần hưng cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực (hưng cảm – trầm cảm thất thường)...

Trong tâm thần phân liệt, bệnh nhân mắc hoang tưởng tự cao luôn nghĩ rằng mình có thể làm tướng chỉ huy quân đội mặc dù chưa từng đi bộ đội. Một số khác nghĩ rằng mình có thể chữa các loại bệnh khó như bệnh ung thư dù bệnh nhân không học ngành y…

“Bệnh nhân luôn cho mình là “siêu nhân” có nhiệm vụ giải cứu thế giới, với những suy nghĩ kỳ quái, những hiểu biết được “ai đó” chỉ dạy, hoặc cho mình giàu sụ, quyền quý, tài năng…” – TS Dũng cho hay.

Đơn cử như anh Trần T.D (34 tuổi, Hà Nội) là giáo viên Thể dục một trường cấp 3 tại Hà Nội. Dù vậy, anh luôn cho rằng mình giỏi và có thể dạy tất cả các môn học, đặc biệt là Toán. Thậm chí, anh D còn tự mở lớp luyện ôn thi đại học với cam kết 100% đỗ, chiêu sinh với giá rẻ (vì nghĩ mình giỏi cần chia sẻ kiến thức).

Tuy nhiên, khi vào dạy học, anh lại toàn xưng hô và nói với học sinh bằng ngôn ngữ lạ, như là tiếng Trung Quốc, viết lên bảng lại toàn chữ tượng hình như tiếng Trung. Anh còn thuyết phục học sinh với những lời mình nói ra.

Thấy “biểu hiện lạ”, học sinh phải ánh với phụ huynh, sau đó trao đổi với gia đình anh D. Gia đình anh đưa đi khám ở viện Sức khoẻ tâm thần.

Giai đoạn đầu, thuốc tâm thần chưa quản lý được hành vi bệnh nhân. Anh D vẫn cho rằng mình là thiên tài, giảng giải mọi vấn đề theo ngôn ngữ riêng, không ai hiểu được.” – TS.BSCK2 Nguyễn Văn Dũng, cho hay.

Gần 100% bệnh nhân tâm thần đều cho rằng mình không bị bệnh, chỉ có người nhà mới bị bệnh

TS Nguyễn Văn Dũng cho biết, có khoảng 3% quần thể dân cư mắc hoang tưởng tự cao.

Điều đáng nói là trường hợp nhỏ tuổi, bị rối loạn cảm xúc tâm thần cũng mắc chứng này. Theo TS Dũng, với các cháu nhỏ, chứng hoang tưởng tự cao thường liên quan đến việc tiền bạc, được gia đình nuông chiều.

TS Dũng cho biết, có những trường hợp khai thác bệnh sử cho thấy, mỗi lần cháu điểm cao, thi đỗ, gia đình không những khen trực tiếp mà còn đưa lên Facebook “khoe” kèm những lời khen ngợi. Điều này khiến bản thân cháu bé luôn tự cao, cho rằng mình học giỏi, mọi thứ có thể học được, làm được ở mức xuất sắc.

Đến lúc có sự cố ngoài ý muốn xảy ra khiến cháu không làm được như ý, cháu sẽ bị sang chấn tâm lý, rồi bị loạn thần. Dạng loạn thần này mang chiều hướng của hưng cảm, tự cao tự đại.

Theo BS Dũng, nếu hoang tưởng tự cao của rối loạn hưng cảm có thể bị kìm chế, hoặc bị cưỡng chế nhưng ít gây tổn thương, thì hoang tưởng tự cao của tâm thần phân liệt lại có tác động, chi phối hành vi của bệnh nhân, khiến bệnh nhân tấn công người cản trở. Như trường hợp của thầy giáo D hay chị H kế toán trên đây. Dù 34 tuổi, anh D rất gầy gò nhưng có thể tấn công nhân viên ở Viện, người nhà sau khi nhập viện. Sau khi tiến hành cưỡng chế 1 tuần, anh D mới ổn định. Được điều trị một thời gian ổn, anh D ra viện và thôi nghề giáo viên.

(Theo Quỳnh An/giadinh.net)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn