Cảnh báo: Cha mẹ “quên” tiêm vắc xin, nhiều trẻ nhập viện biến chứng nặng do viêm não

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 24/04/2019 07:15:00 AM - Lượt xem: 33 lượt xem.

Hiện tại Trung tâm bệnh nhiệt đới của BV Nhi TW có đến 30 trẻ đang nằm điều trị viêm não, trong đó nhiều cháu lơ mơ, không tỉnh táo. Qua khai thác dịch tễ cho thấy nhiều cháu trong đó không tiêm vắc xin phòng bệnh

Thông tin với báo chí ngày 23/4, PGS. TS Trần Minh Điển- Phó Giám đốc BV Nhi TW cho biết, Khoa điều trị tích cực, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới - BV Nhi TW hiện đang điều trị cho 30 trẻ bị viêm não, viêm màng não. Hầu hết các trẻ này đều được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng bệnh đã nặng và biến chứng thần kinh. Trong đó phần lớn trẻ đều chưa được tiêm phòng vắc xin.

Trẻ bị biến chứng thần kinh do viêm não, viêm màng não

Bé Hà Mỹ Ngọc, 3 tháng tuổi  ở An Dương- Hải Phòng được chuyển đến BV Nhi TW từ ngày 4/3, sau 2 ngày điều trị tại BV Sản Nhi Hải Phòng nhưng sốt cao liên tục không giảm. Tại BV Nhi TW, các bác sỹ chẩn đoán em bị viêm màng não mủ đã biến chứng thần kinh. Sau hơn 1 tháng điều trị, đến nay tình trạng của bé Ngọc đã tốt hơn, tuy nhiên bé vẫn tiếp tục được theo dõi.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Ngô Văn Đức ở Thanh Hóa, 12 tuổi  nhập BV Nhi TW trong tình trạng mất ý thức do bị viêm màng não. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã bắt đầu hồi phục ý thức, tuy nhiên, vẫn chưa thể vận động được.

Hai gia đình bệnh nhi đều cho biết, cả 2 bé đều chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.

canh-bao-cha-me-quen-tiem-vac-xin-nhieu-tre-nhap-vien-bien-chung-nang-do-viem-nao-1

Bệnh nhi 3 tháng tuổi ở Hải Phòng bị viêm màng não mủ đang điều trị tại Khoa điều trị tích cực, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới - BV Nhi TW

Theo các bác sỹ, thời gian gần đây số lượng trẻ nhập viện vi viêm não và viêm màng não có chiều hướng gia tăng. Ngoài hai trường hợp trên, hiện tại Khoa điều trị tích cực, trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới - BV Nhi TW đang điều trị cho 28 bệnh nhân khác bị viêm não, viêm màng não với nhiều mức độ và lứa tuổi khác nhau.

“Đáng nói hầu hết các cháu khi được chuyển lên đều đã biến chứng nặng về thần kinh như bại não, động kinh, thậm chí nhiều trẻ mất hết tri thức dẫn đên việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy qua khai thác, phần lớn các gia đình đều cho biết hầu như trẻ bị viêm não, viêm màng não hay viêm não Nhật Bản đều chưa tiêm vắc xin”- PGS.TS Trần Minh Điển cho biết.

Cũng theo PGS. TS Trần Minh Điển, trong các bệnh lý về thần kinh trung ương có 2 loại là viêm não và viêm màng não. Đối với bệnh viêm màng não, liên quan đến các vi khuẩn, đứng đầu vẫn là phế cầu. Còn về bệnh viêm não, tại BV Nhi TW các bác sĩ cũng chỉ phát hiện ra khoảng 60% có căn nguyên, hầu hết là các vấn đề về virus, trong đó, virus viêm não Nhật Bản B vẫn là đứng hàng đầu.

Viêm não, viêm màng não nhiễm khuẩn nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 cho trẻ dưới 5 tháng tuổi

Liên quan đến tình hình bệnh viêm não ở trẻ em, thông tin tại hội thảo “Cập nhất chẩn đoán và điều trị bệnh viêm não ở trẻ nhỏ” với sự tham gia của các bác sỹ, điều dưỡng tại khu vực phía Bắc ngày 23/4 tại BV Nhi TW nhằm hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bệnh viêm não, viêm màng não toàn cầu (24/4), các chuyên gia cho biết, theo thống kê của BV Nhi TW, tỷ lệ trẻ bị mắc các bệnh lý về viêm màng não nhiễm khuẩn đứng thứ 3 trong số các bệnh lý vào điều trị. Và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 cho trẻ  dưới 5 tháng tuổi.

Đây là một bệnh lý có tỷ lệ tử vong lên tới 50% nếu không được điều trị, 10%-20% bị di chứng về thần kinh, giảm thính lực. Điều đáng nói, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong vòng 24h – 48h khởi bệnh thì tỷ lệ tử vong giảm xuống chỉ còn hơn 10%.

Tuy nhiên,  TS.BS Nguyễn Văn Lâm- Trưởng Khoa Truyền nhiễm- BV Nhi TW cũng thăng thắn cho biết, mặc dù đã cố gắng áp dụng nhiều kỹ thuật thành tựu của khoa học trong chẩn đoán và điều trị bệnh viêm màng não nhiễm khuẩn nhưng tỉ lệ tử vong và di chứng vẫn còn cao.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, hiện đang là thời kỳ cao điểm để bệnh viêm não và viêm màng não phát triển, vì vậy để phòng tránh bệnh cho trẻ, các gia đình cần cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh theo đúng độ tuổi, đúng thời gian.

Đặc biệt, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sốt cao, đau đầu, buồn nôn và cứng gáy, thì các gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

(Theo Suckhoedoisong)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn